Báo Chí, Truyền Thông Hiện Đại: Thực Tiễn, Vấn Đề, Nhận Định

 

                

         “Tay cầm bút viết lên điều thực tế

          Những phận đời và sự việc quanh ta

          Luôn làm cho nghề báo nở hoa

          Dẫu đối mặt gian truân và tiêu cực”

                                                    (Gửi người làm báo – Nghi Lâm)

         Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan ban ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách. 

          Đặc biệt trong thời đại thông tin bùng nổ mạnh mẽ, các cơ quan báo chí và người làm báo đã nỗ lực tôi luyện phẩm chất nghề nghiệp, có trách nhiệm với mỗi sản phẩm báo chí, thực hiện chức năng thông tin và định hướng dư luận.  Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

        Tuy nhiên, trong cách đánh giá của xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”. Bởi một số tác phẩm báo chí ra đời, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất không chính đáng của một số tổ chức, cá nhân nào đó… Vinh quang và vất vả luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Phía sau mỗi tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả nước mắt của những người làm báo.

         Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Thư viện tỉnh Tiền Giang trân trọng giới thiệu cuốn sách “Báo chí, truyền thông hiện đại: Thực tiễn, vấn đề, nhận định” của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2021, dày 445 trang, khổ 24cm. Cuốn sách tổng hợp các bài viết về báo chí, truyền thông từ thuở sơ khai đến hiện đại, đồng thời gắn báo chí, truyền thông với các vấn đề về kinh tế - xã hội, chính trị, đời sống xã hội; với trách nhiệm và công tác chuyên môn, nghiệp vụ của người làm báo.

     Sách hiện đang được lưu hành tại Thư viện tỉnh Tiền Giang với mã ký hiệu:DL.018045. Trân trọng giới thiệu !

Mai Hương

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị