Câu chuyện Thư viện
Thật may mắn khi một lần được đặt chân vào một thư viện ở một quốc gia luôn được xếp hạng cao nhất thế giới về chỉ số hạnh phúc. Cảm xúc thật ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng về mức độ hoành tráng, hiện đại, hình khối, đường nét kiến trúc. Ngỡ ngàng về cách tiếp cận rất khác những gì đã mặc định về mô hình thư viện truyền thống bấy lâu nay: nơi chứa sách, khu vực đọc sách, cho mượn sách. Ngỡ ngàng về ý tưởng chủ đề thư viện: “Chia sẻ giấc mơ”. Đúng là không có gì bất biến trong thế giới vạn biến này.
Thời gian gần đây, xã hội được truyền cảm hứng từ rất nhiều hoạt động nhân ngày “Sách và văn hoá đọc Việt Nam - 21/4”. Nói đến sách và đọc sách thì thường liên tưởng ngay đến thư viện. Thư viện thì đã có Luật năm 2019 điều chỉnh, nhưng xem ra vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng: thu hút người đọc đến thư viện và nâng cao văn hóa đọc cho người Việt Nam.
Đã có sự tranh luận về tỷ lệ người Việt Nam đọc sách và đến thư viện, rồi đưa ra những con số để so sánh trong khu vực và trên thế giới. Thay đổi văn hóa đọc không hề dễ dàng, nhưng có thể thay đổi tư duy về thư viện truyền thống trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện và con người luôn bị chi phối bởi quỹ thời gian cho việc học hành, làm việc và sinh kế.
Rất mừng và trân quý, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng thư viện gia đình, dòng tộc, cộng đồng, gắn với công tác khuyến học và bước đầu hành trình tri thức hóa nông dân và cư dân nông thôn. Nhiều người tâm huyết đã hỗ trợ xây dựng thư viện và tặng sách cho vùng cao. Nhiều thư viện đã kết nối những hoạt động phong phú: đưa chuyến xe tri thức về vùng nông thôn hẻo lánh, mời chuyên gia đến truyền cảm hứng đọc sách. Nhiều thư viện tổ chức những hoạt động chuyên đề nhằm thu hút sự quan tâm của các giai tầng xã hội. Đặc biệt, UNESCO đã vinh danh chương trình “Sách hóa nông thôn” của một nhóm tình nguyện viên nhiều trăn trở về văn hóa đọc.
Mỗi sự thay đổi nhỏ và hành động thầm lặng của mỗi cá nhân, nhóm xã hội tâm huyết sẽ là tín hiệu lan tỏa ra cộng đồng xã hội và tạo ra kỳ vọng bước qua lời nguyền: người Việt Nam ít đọc sách và lui tới thư viện. Những hành động thầm lặng đó có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và xã hội, tác động vào sự thay đổi nhận thức và hành vi để mọi người tỉnh thức.
Trở lại thư viện, mà phải nói đúng hơn là không gian tri thức ở đất nước Bắc Âu, có nhiều điều ngẫm nghĩ. Cũng là sách và đọc sách, nhưng đã có cách tiếp cận mới mẻ từ một danh nhân: “Thư viện không nên chỉ là nơi giữ sách, cũng không nên chỉ là nơi đọc sách. Nó phải là một trung tâm nghiên cứu - sự nghiên cứu mà bất kỳ một con người có lý trí nào cũng cần phải có”. Như vậy sách phải phong phú, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, năng lực khác nhau.
Ngoài phục vụ tài nguyên thông tin truyền thống, thư viện cần cung ứng nhiều tiện ích khác như: phục vụ tài nguyên thông tin dạng số, hướng dẫn thiết kế đồ họa, giới thiệu và bán thiết bị điện tử, dụng cụ thể thao, quà lưu niệm, văn phòng phẩm… Ngoài ra, còn có khu vực cà phê, nhà hàng, phòng thu âm, ghi hình…, thậm chí thư viện còn có cả dịch vụ karaoke.
Lại đúng như một danh nhân khác đã đúc kết: “Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của loài người”. Đã nói đến tinh thần là nói đến cảm xúc, do đó thư viện phải luôn tươi mới, sinh động, cuốn hút mọi người đến, trước là thư giãn, sau đó sẽ là tìm kiếm thông tin, kiến thức và rồi sẽ ngấm dần văn hóa đọc.
Thư viện phải thu hút và được sự ủng hộ đông đảo từ mọi tầng lớp già trẻ bao gồm cả những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão và những ai muốn có chỗ luyện tập để tự tin hơn trước công chúng. Không những thế, thư viện còn cung cấp các khóa học tâm lý cho người lớn làm sao có thể vượt qua căng thẳng do tâm lý người cao tuổi. Nhà văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói: “Xa chốn ngựa xe xuân mộng đến. Vui bên sách vở tuổi già ngâm”. Như vậy, thư viện còn là không gian để mọi người đến giao lưu với nhau, tìm hạnh phúc bên nhau, chứ không đơn thuần chỉ là đến để đọc sách hoặc mượn sách mang về.
Thư viện phải tạo ra không gian tích hợp đa chức năng, đa mục tiêu, hướng đến mục tiêu nâng cao phúc lợi cho người dân. Thư viện không phải là kho chứa sách vì theo Đại thi hào Nguyễn Du: “Sách vở đầy bốn vách. Có mấy cũng không vừa”. Nói cách khác, nếu độc giả là “người tiêu dùng” tri thức, món ăn tinh thần, thì thư viện phải “bán cái người tiêu dùng cần” chứ không “bán cái mình có”. Quỹ thời gian hữu hạn luôn khiến con người cân nhắc về “chi phí cơ hội”, là giá trị những gì phải từ bỏ khi lựa chọn một lựa chọn cụ thể. Nếu thư viện thỏa mãn càng nhiều nhu cầu ngoài đọc sách, khi ấy sẽ dễ dàng tiếp cận người đọc.
Nhu cầu đọc sách của con người luôn đa dạng, đó chính là không gian để đổi mới hoạt động thư viện. Nông dân cần đọc sách về nghề nông, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, cách chế biến nông sản. Phụ nữ cần đọc sách về nấu ăn, cắm hoa, làm đẹp, kỹ năng tạo dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới. Người cao tuổi cần sách về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và cách sống lạc quan. Học sinh, sinh viên cần sách mở mang tri thức, tiếp cận tinh hoa nhân loại. Trẻ nhỏ cần những sách về thế giới động vật, thực vật, thiên nhiên kỳ thú, những bài học ứng xử đầu đời. Doanh nhân, các bạn trẻ khởi nghiệp cần sách hun đúc tinh thần từ những gương danh nhân, xây dựng giá trị sống, kiến thức và kỹ năng quản trị, văn hóa kinh doanh. Và còn rất nhiều nhóm đối tượng khác đòi hỏi những nhà quản lý thư viện nghiên cứu đáp ứng nhu cầu.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: "Để vàng, để bạc không bằng để sách cho con". Điều đó nói lên rằng, từ xa xưa, cha ông ta đã đề cao việc xây dựng thư viện gia đình, tặng cho con thói quen đọc sách, tri thức từ sách ngay từ khi con còn nhỏ, xem đó chính là tài sản lớn nhất mà không của cải nào sánh được. Rất tiếc, trong thời đại smartphone hiện nay, nhiều cha mẹ bỏ quên câu nói đó, cho con chơi điện thoại thông minh, xem tivi tự do thiếu kiểm soát đã gây ra nhiều hệ lụy tới sự phát triển của trẻ.
Trong mỗi nhóm đối tượng nếu có thêm những hoạt động nghệ thuật như: ca hát, triển lãm tranh ảnh, thể dục thể thao, trò chơi kích hoạt sự tham gia mang tính tập thể… hay những buổi tọa đàm, trao đổi về những cuốn sách hay, sẽ kích hoạt sự năng động của mọi người.
Như vậy, đến thư viện là để được thư giãn, khơi dậy cá tính tích cực trong mỗi người, chứ không còn là những người thụ động, miễn cưỡng ngồi đọc sách. Bên cạnh đó, những nhóm yêu văn hóa đọc sẽ cùng nhau xây dựng các chương trình hành động chia sẻ tri thức, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường… Đó là những hành động, hệ quả từ quá trình thay đổi nhận thức sau khi đọc sách.
Sẽ có người cho rằng vì đất nước họ giàu có nên mới có những thư viện hoành tráng như vậy. Hãy nhớ ông bà mình đã từng nhắc nhở: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, biết sắp xếp sẽ có đủ không gian: trong phòng, ở không gian sảnh và hành lang, trong nhà, hàng hiên, ngoài trời… Hãy nghĩ khác đi, ý tưởng tốt sẽ thu hút được nguồn lực, biết mở rộng không gian kết nối sẽ có thêm nguồn lực.
Sẽ có người nói, thư viện công với bộ máy bị ràng buộc bởi những quy định, làm sao được cởi trói để thoát ra không gian tư duy hẹp. Hãy làm khác đi, một khi làm vì đam mê sẽ thu hái được kết quả, khi có kết quả sẽ được công nhận. Hãy làm bởi tình yêu sách, hiểu được giá trị của văn hóa đọc là nâng cao phúc lợi cho người dân, khi ấy không gì là không thể!
Đại thi hào Voltaire đã đúc kết “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà láng giềng, thắp nó trong nhà ra, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.
Nội dung: Xích Lô
Ảnh: TL
Nguồn trích: Báo Nông nghiệp: https://nongnghiep.vn/