Đằng sau mặt báo hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945

     Nhân kỷ niệm 98 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), Thư viện Tiền Giang trân trọng giới thiệu sách điện tử Ebook: Đằng sau mặt báo: Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 của tác giả Trần Đình Ba do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành năm 2022.

                             

     Ấn phẩm tái hiện đời sống báo chí thuở ban đầu đến năm 1945 mà ở đó, báo chí được phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với cách triển khai nhẹ nhàng, phù hợp độc giả đại chúng, giúp những người quan tâm báo chí nước nhà tìm hiểu về báo chí xưa qua góc nhìn của chính những người làm báo, qua nội dung do tờ báo, tạp chí đó thể hiện. Bên cạnh việc điểm qua những tờ báo nổi tiếng một thời, tác giả cũng không quên liệt kê tên tuổi của các ký giả như Trương Vĩnh Ký (Gia Định báo, Thông loại khóa trình); Diệp Văn Kỳ (Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay) hay Tản Đà (Giấc mộng lớn, An Nam tạp chí); Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (Phong hóa, Ngày nay); Thế Lữ, Anh Thơ (Từ bến sông Thương)… Ngoài ra, tác giả còn trực tiếp làm việc với “nhân chứng sống” từng viết báo những năm 1940 như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (nay đã hơn 100 tuổi), từng viết bài trên báo Truyền bá.

     Ấn phẩm cung cấp thông tin cho quý bạn đọc về tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp đến là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo (năm 1865), tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Mục đích ban đầu của báo chí là phục vụ nhu cầu đưa tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng. Giai đoạn sau đó, báo chí tư nhân ra đời, có vị trí quan trọng trong làng báo với nhiều tờ báo chất lượng như Ngọ báo, Sài thành nhật báo, Trung lập, Đông Pháp thời báo…

     Báo chí trước năm 1945 được chia thành nhiều loại khác nhau: Kỷ yếu, tạp chí, nhật báo, tuần báo, nguyệt san… Xét về nội dung, có loại báo chỉ đơn thuần mang thông tin văn nghệ, lại có một số báo mang tính thời sự cập nhật. Có báo được thiết kế như một tập sách mỏng (Thông loại khóa trình, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san…), có báo lại được viết tay (Suối reo, Ý kiến chung) do chính những người làm cách mạng thực hiện bí mật trong nhà tù ở Côn Đảo, Sơn La.

     Đặc biệt, bạn đọc còn được giới thiệu cách mà những tờ báo xưa thông tin về hoạt động nghị trường, các phản biện xã hội và câu chuyện bên lề của những nghị viên thời xưa.

     Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc !

Mai Hương

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị