Đường mây qua xứ tuyết

Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách:

ĐƯỜNG MÂY QUA XỨ TUYẾT

“Đường mây qua xứ tuyết” là cuốn du ký, chia sẻ trải nghiệm của tác giả Lama Anagarika Govinda (1898 – 1985), tên thật là Ernst Lothar Hoffman. Ông là nhà nghiên cứu triết học, tu sĩ Phật giáo, họa sĩ và giáo sư Phật học người Đức.

          Quyển sách ghi lại những điều tác giả chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng từ khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước. Một thời kỳ diễn biến chính trị vô cùng phức tạp ở xứ sở này. Qua đó đời sống tín ngưỡng tâm linh của Tây Tạng hiện lên một cách sống động qua từng trang sách.

          Trên bản đồ lịch sử thế giới, Tây Tạng được biết đến như một nơi huyền bí, biệt lập với thế giới bên ngoài, vùng đất này luôn chất chứa sự huyền bí kỳ lạ và có sức hấp dẫn mãnh liệt với thế giới. Ở vùng đất này, đặc biệt đến nỗi người dân chung sống hòa bình,  an yên dù nghèo khó dưới sự dẫn dắt của những lãnh tụ tinh thần vĩ đại được gọi là Lạt ma mà đứng đầu là đức Lạt Lai Lạt Ma.

          “Đường mây qua xứ tuyết” là cuộc hành trình “đạo” của tác giả, đề cao tư tưởng thiền định và diệt ngã, bàn về sự chết và tái sinh. Mở ra thế giới văn hóa tâm linh của Tây Tạng bí ẩn. Tác giả đã tiếp xúc với nhiều tu sĩ, thăm viếng nhiều ngôi chùa cổ hẻo lánh và ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe vào cuốn du ký “Đường mây qua xứ tuyết”. Những gì tác giả viết ra không phải chỉ là những nhận xét bằng con mắt thường tình của một lữ khách, mà là những khám phá về sáng tạo tâm linh ở xứ sở gió tuyết này. Bất chấp sự đổi thay của thời cuộc, con người Tây Tạng vẫn luôn gìn giữ bản sắc truyền thống, sự tự do, chung thủy và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng nguyên vẹn như thuở ban đầu.  Đây là một truyền thống sống động, phóng khoáng và bình đẳng, không câu chấp cứng nhắc vào các giáo điều, luôn luôn thay đổi để thích nghi với các hoàn cảnh thời gian, không gian mà vẫn giữ đúng mục đích nguyên thủy (tùy duyên, bất biến). Có lẽ vì vậy, tinh thần Phật giáo Tây Tạng vẫn luôn khiến thế giới ngưỡng mộ và mong mỏi tìm tòi khám phá !

         Mở đầu tác phẩm, tác giả dùng hình ảnh các đám mây để dẫn dắt bạn đọc. Mây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh người dân Tây Tạng. Trong các bức họa của người Tây Tạng, bức nào cũng vẽ các đám mây với nhiều màu sắc khác nhau. Chỉ là hình ảnh của một áng mây thôi nhưng với người dân Tây Tạng lại như một sự biểu trưng của những điều thiêng liêng và bí ẩn, là cách để người dân nơi đây thể hiện sự sáng tạo trong đời sống cũng như nghệ thuật tượng hình. Những tâm ý sâu sắc đều được biểu lộ một cách tinh tế qua hình tượng của mây với bao suy tư và trăn trở về con người trong Phật giáo Tây Tạng: Cái mà chúng ta hướng đến không phải là một thế lực cao siêu nào, mà mọi sự tu tập, mọi chuyến “hành hương” đều dẫn vào trong chính mình.

          Bạn đọc thân mến, tại sao Tây Tạng lại có một sức hấp dẫn mãnh liệt như vậy? Phải chăng nó tượng trưng cho một cái gì đó huyền bí, khêu gợi trí tò mò hay một điều gì đó chưa nhận thức được? Có lẽ khi bạn đọc cuốn sách, bạn sẽ có được sự hóa giải cho những giá trị bí ẩn của Tây Tạng. Với những ai đam mê, yêu thích triết lý Phật giáo Tây Tạng chân phương về cái chết và tái sinh, về thiền định và diệt ngã, giúp thâm tâm yên ổn, lạc quan, quyển “Đường mây qua xứ tuyết”  có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của bạn về vùng đất tâm linh bí ẩn này.  Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành, dày 316 trang. Sách hiện đang được lưu hành tại Thư viện tỉnh Tiền Giang với các mã ký hiệu: DV.078951, MM.011830. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!                                                                                                     

Lâm Thị Mai Hương


 

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị