Giới thiệu sách " Nhập môn Chủ nghĩa hậu hiện đại"

     Thuật ngữ “Chủ nghĩa hậu hiện đại” (Post Modernisime) bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Đầu tiên là ở Mỹ, sau đó nhanh chóng lan sang các nước châu Âu. Cho đến nay thuật ngữ “Chủ nghĩa hậu hiện đại” đã lan tỏa trên khắp thế giới, được thừa nhận và thậm chí được coi như là một khuynh hướng chủ đạo của nền nghệ thuật đương đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là một thuật ngữ bao quát được nhiều người dùng để chỉ các xu hướng văn học – nghệ thuật ngoài chủ nghĩa hiện thựctruyền thống, xuất hiện nửa cuối thế kỷ XX, sau thời kỳ của Chủ nghĩa hiện đại và có xu hướng tìm tòi đổi mới, thậm chí đổi mới đến cực đoan, đến mức siêu hiện đại.

     Ở vào nửa đầu thế kỷ XX, bối cảnh chung của triết học phương Tây là sự ra đời của nhiều khuynh hướng nghệ thuật, khả dĩ đáp ứng nhu cầu, tâm trạng, hoài vọng của công chúng. Đồng thời nó cũng là sự phản ánh thực trạng xã hội khủng hoảng sau hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc. Nhiều quan niệm mới về vị thế của triết – mỹ hiện đại. Nghệ thuật được chờ đợi, hi vọng và được xem như là sự gợi về trong bản thân một cảm xúc người ta từng trải nghiệm và từng quen thuộc nhờ vào các phương tiện như chuyển động, đường nét, màu sắc, âm thanh hay các hình thái của sự viết để rồi truyền đạt lại cảm xúc ấy tới người khác sao cho họ cũng sẽ có những trải nghiệm y như thế. Từ tinh thần đó, vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã xuất hiện một trào lưu với tên gọi Pop Art – trào lưu nghệ thuật đại chúng. Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời trong bối cảnh đó.

     Leslie Fiedler là nhà văn đầu tiên đã sử dụng tiếp đầu ngữ “hậu” – post, một cách tích cực vào năm 1965, khi ông lặp đi lặp lại nó và gắn nó với nhiều khuynh hướng cấp tiến đương thời như: hậu nhân văn, hậu nam tính, hậu da trắng, hậu anh hùng…

     Với tính chất liên ngành và sự thâm nhập, ảnh hưởng đa dạng trong triết học, khoa học, nghệ thuật và thực tiễn xã hội, chủ nghĩa hậu hiện đại có nhiều diện mạo khác nhau, có thể dễ dàng bắt gặp khá nhiều lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác nghệ thuật, thực tiễn xã hội đi kèm với khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại hoặc hậu hiện đại, chẳng hạn chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học, trong kiến trúc, trong hội họa, trong điện ảnh, trong các khoa học xã hội và nhân văn, trong triết học, trong thực tiễn chính trị, văn hóa, giáo dục, lối sống.

    Bộ sách "Nhập môn" với hình thức truyện tranh sinh động do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức dịch và ấn hành sẽ giới thiệu đến bạn đọc chân dung và hành trình tư tưởng của nhiều khuôn mặt lớn trong lịch sử nhân loại, từ Đức Phật, Platon, Aristote đến Kant, Shakespeare, Hegel, Marx, Freud...; những thông tin chính xác và cô đọng về nhiều ngành khoa học quan trọng, từ xã hội học, tâm lý học, đạo đức học đến ngữ học, ký hiệu học, toán học... Có thể nói, đây là một bộ "bách khoa thư" về văn hóa và khoa học dưới lớp áo nhẹ nhàng, kết hợp "niềm vui và sự hiền minh" trong một "khoa học vui tươi".

   Quyển sách Nhập môn Chủ nghĩa hậu hiện đại nằm trong bộ sách “Nhập môn” của NXB Trẻ. Quyển sách dày 163 trang, ấn hành vào năm 2006, Trần Cao Đăng Tiễn dịch.

  Sách hiện đang được lưu trữ và phục vụ miễn phí tại Phòng Đọc với mã số DV.053517 và Phòng Mượn với mã số MM.076587 tại Thư viện tỉnh Tiền Giang.

   Xin trân trọng giới thiệu quý độc giả!

Kim Vinh

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị