GTS Nghệ thuật ẩm thực truyền thống Việt Nam

      Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 anh em cùng chung sống, đã tạo nên kho tàng văn hóa ẩm thực rất phong phú. Theo Từ điển món ăn Việt Nam, nước ta có khoảng 2.500 món ăn, trong đó có khoảng 1.067 món đã liệt kê được kỹ thuật chế biến, nguyên liệu thực phẩm, cách bày biện bàn ăn, món ăn như thế nào. Điều đó chứng tỏ đất nước ta có nền văn hóa ẩm thực rất phong phú. Hôm nay Thư viện Tiền Giang xin được giới thiệu quyển sách: Nghệ thuật ẩm thực truyền thống Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Mạnh, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 2021.

                     

      Trong văn hóa Việt Nam, ăn uống là cả một nghệ thuật, nó không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người mà còn có mối quan hệ mật thiết đến lối sống, truyền thống dân tộc, được thể hiện rất rõ qua những dụng cụ được dùng trong bữa ăn, cách ứng xử với mọi người trong khi ăn. Vì thế việc ăn uống còn minh chứng cho lịch sử và sự hình thành nền văn hoá của Việt Nam. Các món ăn qua từng giai đoạn nói lên được cuộc sống, con người của giai đoạn đó và của vùng đất – nơi đã sản sinh ra mỗi món ăn.

     Ẩm thực Việt Nam- một loại hình nghệ thuật đặc biệt được thể hiện rõ nét trong sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại nguyên vật liệu để trở thành một bức tranh sống động, ấn tượng, như mâm cỗ ngày lễ tết, bát phở, bún, hủ tiếu, dĩa rau sống... Người nội trợ đã, biết khai thác các nguồn thực phẩm, biết cách thay đổi theo mùa cho hợp khẩu vị và với một kỹ thuật nấu ăn tinh tế do nhiều nghệ nhân nhiều đời truyền lại, nên ngay những món ăn thông thường cũng trở thành những món ăn quý, ngon lành, có hương vị vô cùng đặc sắc, hấp dẫn.  

      Như ở miền núi nổi tiếng với món cơm lam, thịt nướng, rượu cần, cá nướng, còn dân cư xứ Huế nổi tiếng bởi tài nghệ nấu chè, làm bánh lá và các món cơm chay. Hà Nội nghìn năm văn hiến nổi danh là nơi có nhiều món ăn ngon như: bún Ốc Hà Nội, bánh đa cua, bún chả...

      Nghệ thuật ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được thể hiện rõ rét trong từng món ăn: Từ thời gian, không gian, kỹ thuật chế biến, cách bày biện, cách ăn cho đến tính ngưỡng, lịch sử, biểu tượng của từng món ăn.

       Sách đang được lưu hành tại phòng Mượn (MM.015373) của Thư viện tỉnh Tiền Giang. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

                                             Đoàn Thị Trúc

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị