Ký Ức Thành Cổ

         "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2022, Thư viện tỉnh Tiền Giang xin giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Ký ức thành cổ” 

                                Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

                                Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

                                Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

                                Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

                                Một tấc đất là một cuộc đời có thật

                                Cho tôi hôm nay - để ngày mai.

         Cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như những trang bi tráng nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” với những ký ức không thể nào quên. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, xương máu của các anh thấm sâu trong lòng đất mẹ, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng sông Thạch Hãn. 

                              "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

                               Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

                               Có tuổi hai mươi thành sóng nước

                               Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

         Sách được chia làm hai phần, gồm 26 bài ký và 5 truyện ngắn do các cựu chiến binh Quảng Trị kể lại, tất cả như thể hiện niềm thương nhớ lẫn tự hào về những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử, biết trước hiểm nguy, biết trước cái chết nhưng những người lính vẫn dấn thân vào cuộc kháng chiến với tâm niệm “hy sinh cho Tổ quốc là sự hy sinh cao cả nhất”. Đọc lại bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (được lưu giữ tại thành cổ Quảng Trị) gửi cho gia đình trước lúc hy sinh ai cũng bồi hồi xúc động: “Hôm nay, con ngồi đây viết bức thư cuối cùng, phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi lấy đó là điều đột ngột.

          Mẹ Kính yêu! Thư này tới tay, chắc mẹ buồn lắm “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!”. Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều; bao hy sinh nuôi con khôn lớn, chưa được đền đáp. Nay vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt, mẹ đừng buồn để linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì…. Xin mẹ đừng buồn; coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc mai sau”.

            

         Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử về lòng dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ. Tháng 8/1972, bộ đội ta bị kẹt trong hầm ngầm. Trong 7 ngày đêm liền, các chiến sĩ thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu không khí thở, song vẫn kiên trì theo dõi bước chân của địch đi trên nóc hầm và liên lạc ra ngoài bằng vô tuyến điện. Đây là bức thư cuối cùng của các anh: “Địch đang đi trên nóc hầm của chúng tôi. Yêu cầu các đồng chí cứ bắn thẳng vào hầm; đừng lo lắng gì về chúng tôi cả”. Hoặc đó là câu chuyện về sự hy sinh của liệt sĩ Đỗ Hữu Nguyên: “Nguyên bỗng kêu lên: “Anh Tùng ơi! Em bị thương rồi!”. Nguyên bị mất nửa ngực, máu phun thành vòi. Thanh Tùng cũng bị mảnh văng vào ngực nhưng nhẹ hơn. Anh chưa băng bó cho mình mà cấp cứu cho Nguyên. Thấy không hề sống nổi, Nguyên thều thào: “Anh Tùng ơi! Vĩnh biệt anh và anh em… chỉ tiếc rằng… em chưa được vào Đảng!...”

        Thành cổ ngày nay vẫn sừng sững, uy nghi đúng như tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ năm xưa. Và mỗi người dân Việt Nam đến đây hành hương luôn ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

         Ký ức Thành cổ do Ngọc Anh biên soạn, nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2017, dày 332 trang, khổ 19cm. Sách đang được lưu trữ tại phòng mượn của Thư viện tỉnh Tiền Giang với mã số: MM 100966.

 Hải Đăng

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị