Người Nga viết về chủ tịch Hồ Chí Minh

    

                           “Hồ Chí Minh nâng cao lời ca ngợi

                            Tự đáy lòng bày tỏ sự tri ân

                            Nhân dân Việt Nam – vô cùng vĩ đại

                             Ký ức Bác Hồ - mãi mãi thiêng liêng”

                                                              (Xergây Aphonhin – phóng viên người Nga)

        Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử được yêu mến khắp thế giới không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nhận được những tình cảm thắm thiết bằng những lời ngợi ca đẹp nhất về Người của bạn bè khắp năm châu:

          Ác mết- Giám đốc UNESCO Châu á, Thái Bình Dương nhận xét về Hồ Chí Minh: “Trong lịch sử có rất ít nhân vật đã trở nên huyền thoại ngay khi còn sống. Và không còn nghi ngờ gì nữa, cụ Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người ta sẽ nhớ đến cụ không những chỉ là người giải phóng đất nước và các dân tộc bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại. Người đã đem lại hy vọng mới cho những ai đương đấu tranh không khoan nhượng để đẩy lùi sự bất công và bất bình đẳng trên trái đất này”.

         Nikita Khrutxop – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô – Người chống lại Stalin đã nhận xét về Hồ Chí Minh: “Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh, con người xuất sắc nhất trong tất cả chúng ta. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh. Những người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói tới các vị thánh. Đúng vậy với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với các “vị thánh” đó, một vị thánh của cách mạng”.

           Hay Ô xíp – Mandenstam – nhà thơ Xô viết nhận xét về Hồ Chí Minh: “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và sự tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa không phải nền văn hóa châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa tương lai. Qua phong thái thanh cao trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái trên toàn thế giới”.

         Tập hồi ký "Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh" do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam xuất bản, được dịch bởi hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh. Tác phẩm đặc biệt này bao gồm 17 hồi ký của các tướng lĩnh, những nhà hoạt động cách mạng, những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của nước Nga, những người đã từng được làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những hồi ức cảm động, chân thật nhất của người Nga hồi tưởng về Người. Grigori Loksin, người phiên dịch của các đoàn đại biểu đến từ Liên Xô đã nhận xét như sau: “Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói mọi thiên tài đều rất đơn giản. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã đi vào lịch sử như một trong những nhà chính trị kiệt xuất của thế kỷ XX, những gì ông nói đều rất giản dị và dễ hiểu…Ông đã chinh phục tôi chủ yếu ở sự bình dị và dễ gần hoàn toàn tự nhiên (không chút mảy may cố tình). Và điều đó có được bởi xuất phát từ sự tôn kính vô bờ, không chỉ của những người cộng sự gần gủi ông, mà cả quảng đại đồng bào của ông.”

          Ngoài những bài hồi ký, quyển sách còn cung cấp cho chúng ta những hình ảnh vô cùng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc làm việc ở Nga, hình ảnh Bác chụp cùng với những đại biểu của nước Nga trong những lần họ đến Việt Nam. Cả những hình ảnh về các công trình tưởng nhớ về Hồ Chí Minh tại nước Nga. Tập hồi ký  là sợi dây kết nối, góp phần làm bền chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam - Liên bang Nga. Cùng với thời gian, mối quan hệ này chắc chắn sẽ không ngừng phát triển mà ngày càng bước lên một tầm cao mới, hợp tác một cách bình đẳng, chiến lược toàn diện và bền vững như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

         Sách dày 200 trang, khổ 16 x 24 cm. Sách đang được lưu hành tại phòng Đọc của Thư viện tỉnh Tiền Giang với mã ký hiệu DL.018110. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Hải Đăng

 

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị