Phong Vị Xuân Xưa
Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách:
Phong vị xuân xưa
Ngày xuân, chúng ta thường vẫn nói với nhau về nhiều tục lệ đầu năm, từ xin chữ, xin lộc, hướng xuất hành hay người xông đất, xông nhà. Những thông tin lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến cho những tục lệ này trở nên thật quen thuộc mà nhiều khi thế hệ sau không còn thắc mắc về lý do vì sao lại có những điều này trong sinh hoạt văn hóa. Có những phong tục mà dần đi vào quên lãng cùng với sự phát triển của nhịp sống số. Vì vậy, sách chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đó. Sinh hoạt văn hóa gắn liền với những tờ báo xuân, giai phẩm xuân, tập sách chuyên đề về xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống không dễ gì thay thế được. Cuốn sách "Phong vị xuân xưa" bàn về câu chuyện này, về nhiều tục lệ của người Việt Nam trong dịp đầu xuân năm mới.
Quyển sách Phong vị xuân xưa – Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim của tác giả Nguyễn Văn học, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Thúy Hà sưu tầm và biên soạn. Quyển sách bao gồm hơn 40 bài viết chủ đề phong tục ngày tết và đón xuân của nhiều tác giả được chép lại từ một số sách báo, tạp chí thuộc những năm 20-40 của thế kỷ trước.
Những bài viết trong “Phong vị xuân xưa” được chia theo 3 chủ đề. Phần 1 “Lai rai chén rượu ngày xuân” là những bài viết kể chuyện, giải thích về Tết, như “Nguyên nhân Tết Nguyên đán”, “Tết dán câu đối”, “Chữ Xuân trong văn cổ”,... Phần 2 “Cảm Tết” tập hợp những bài cảm nhận, suy nghĩ của các trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân, thời cuộc. Đó là “Đầu năm khai bút”, “Đi làm xa nhớ nhà”, “Giao thừa”, “Bảo tồn lễ Tết”... Phần 3 “Mùa xuân, văn hóa và lịch sử” giới thiệu một số bài viết, bài diễn thuyết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến với “Phong dao và lịch sử”, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm với “Tết của sử ký nước Việt Nam: Mồng Năm - Ngày vẻ vang”, Tô Ngọc Vân với “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại”...
Không gian văn hóa - xã hội của ngày xuân tuần tự được mở ra “Du xuân” trên từng trang sách để biết được mạch nguồn văn hóa và lịch sử dân tộc với: “Tết của sử ký nước Việt Nam - mồng năm - ngày vẻ vang”, “Phong dao và lịch sử”, “Cách thức tế Nam Giao”, “Đại cương về mỹ thuật nước nhà trong hai kỳ chịu ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa và Âu Tây”; “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại”... Từ những hiểu biết ấy, mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu mến, tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, càng cảm nhận sâu sắc hơn cái tươi mới, niềm hứng khởi, thiêng liêng mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Sách có độ dày 200 trang, khổ 26cm, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Sách đang được lưu trữ và phục vụ tại Thư viện Tiền Giang với mã ký hiệu DL.017882.
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc !
Nguyễn Hải Đăng