Thư viện tỉnh Tiền Giang giới thiệu sách Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII
Quê tôi vùng đất Tiền Giang,
vùng cây trái mùa màng xinh tươi .
Vườn hoa thơm ngát rạng ngời,
Đi xa vẫn nhớ người ơi câu hò.
(Trích thơ: “Tiền Giang quê tôi” của Kim Loan)
Tiền Giang không những nổi tiếng là vùng đất trù phú với bốn mùa cây trái quanh năm mà còn là hội tụ nhiều vị anh hùng dân tộc trong suốt các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Lịch sử Tiền Giang đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Nghiên cứu về lịch sử địa phương là quá trình đi tìm những giá trị lịch sử đích thực. Để phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp, tôn thờ các vị anh hùng dân tộc của địa phương, Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Tiền Giang đã xuất bản quyển " Kỷ yếu hội thảo khoa học: Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỹ XVIII", dày 207 trang, khổ 16x24cm.
Với 25 bài tham luận và 6 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã lý giải được tại sao lại có nhiều di tích và cơ sở thờ tự Võ Tánh tại vùng đất Gò Công, Tiền Giang. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Ông, có hàng ngàn người dân Gò Công và nhân dân ở các vùng lân cận đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật ở vùng Gò Công trong hơn một thế kỷ qua. Năm 2005, miếu Võ Tánh tại xã Long Thuận, thị xã Gò Công được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Võ Tánh là biểu tượng của trung – nghĩa theo quan niệm Nho giáo. Ông là người sớm thức thời, bỏ qua “tình nhà” để chọn lấy chữ trung và biết chọn cái chết để thể hiện lòng trung của mình, vừa giúp chúa Nguyễn Ánh hoàn thành ý nguyện nắm quyền cai trị đất nước, vừa cứu binh sĩ khõi cảnh bị tàn sát đẫm máu. Ông là người trí dũng, mưu lược, sáng suốt hơn người. Ông đã có công khai hoang, mở mang ruộng vườn, tích trữ lương thực; thanh trừng trộm cướp, bảo đảm an ninh trật tự; đào ao, đắp đập, làm thủy lợi, sản xuất nông nghiệp phục vụ dân sinh thời bấy giờ.
Đọc quyển sách này, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về danh tướng Võ Tánh, một người xông pha nơi trận mạc “lên núi đao, xuống biển lửa” mà vẫn có đức tính “vị nhân”, chỉ biết sống vì người khác. Một con người sống có nghĩa, có tình, biết “nhìn xa, trông rộng” là tấm gương sáng ngời để đời sau cảm phục và noi theo. Sách đang lưu hành ở tại thư viện tỉnh Tiền Giang với mã ký hiệu: ĐC.9
Thư viện Tiền Giang xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Thu Vân