Chiến tranh biên giới Tây - Nam dưới góc nhìn phê bình phân tâm học

     

    Chiến tranh biên giới Tây Nam là một loạt các chiến dịch quân sự do Việt Nam tiến hành nhằm vào các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, đồng thời giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước, được chia làm 04 giai đoạn bắt đầu  từ giữa năm 1975 đến năm 1989.

     Mảng sáng tác về đề tài chiến tranh biên giới Tây - Nam thuộc văn học thời kì đổi mới. Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), văn học Việt Nam có sự khởi sắc đặc biệt, hình thành những khuynh hướng khác nhau, trong đó Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam được các nhà văn nhận thức lại, soi chiếu, phản tỉnh, thể hiện một cách sáng tạo, đầy linh hoạt, tiếp thu và vận dụng những phương pháp sáng tác, thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại. Chính sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, về cách tiếp cận hiện thực chiến tranh đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà văn lựa chọn, miêu tả từ những góc nhìn thêm trực diện, đa chiều, đa sắc, đa thanh.

     Theo tác giả Phạm Khánh Duy: "... Hầu hết những tiểu thuyết này đều nhuốm màu phân tâm học, vì thế, các nhà phê bình lựa chọn một số tiểu thuyết giai đoạn này làm đối tượng nghiên cứu dưới góc nhìn phê bình phân tâm học".

     Lý thuyết phân tâm học được Sigmund Freud (1856 - 1939) công bố vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, một học thuyết nghiên cứu về thế giới bên trong con người, nhằm tìm ra lời giải cho những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan thể hiện qua hành vi của con người, bao gồm các nội dung: vô thức, libido (xung năng tính dục), mặc cảm Oedipus, giấc mơ và sự dồn nén. Phân tâm học ngày càng phát triển theo nhiều hướng khác nhau, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng nó vào các ngành khác nhau, trong đó có văn học nghệ thuật.

     Phê bình phân tâm học với nghiên cứu phê bình văn học tập trung nghiên cứu tiểu sử nhà văn, văn bản văn học và người đọc dựa trên lý thuyết phân tâm học để đưa ra những diễn giải mới về cội nguồn của quá trình sáng tạo, sản phẩm sáng tạo và tiếp nhận sáng tạo để tìm ra ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của văn chương. Theo nhà nghiên cứu Vũ Thị Trang, có thể chia phân tâm học thành 03 khuynh hướng có quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình sáng tác giữa nhà văn - tác phẩm - người đọc: Phê bình phân tâm học tiểu sử, Phê bình phân tâm học văn bản và Phê bình phân tâm học người đọc.

   Tác giả Phạm Khánh Duy sử dụng các lý thuyết phân tâm học dựa trên quan điểm của Sigmund Freud và Carl Jung để nghiên cứu mảng đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam thông qua phương diện nội dung và phương thức thể hiện từ 04 mảnh ghép thể loại chính: Tiểu thuyết, Thơ, Truyện ngắn, và Ký. Đây là một hướng đi mới nhằm luận giải sự phong phú về những đóng góp mang tính cách tân nghệ thuật và những cái nhìn mới về đề tài chiến tranh ở Việt Nam.

   Để tìm hiểu thêm những nét độc đáo của mảng văn học đề tài Chiến tranh biên giới Tây Nam qua lăng kính phân tâm học, Thư viện tỉnh Tiền Giang trân trọng giới thiệu tác phẩm nghiên cứu văn học Chiến tranh biên giới Tây - Nam dưới góc nhìn phê bình phân tâm học của tác giả Phạm Khánh Duy, NXB Hà Nội ấn hành năm 2023, dày 271 trang với mã số kí hiệu MM. 017668.

Trân trọng giới thiệu quý độc giả!

Kim Vinh

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị