Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm

           

             Trong bối cảnh Internet trở nên phổ cập và điện thoại thông minh, máy tính trở nên phổ biến, việc khuyến đọc có vẻ trở nên lạc lõng. người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Sách in không “cạnh tranh” được với sách điện tử tiện ích, cập nhật thông tin. Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách như kinh tế, môi trường, chính trị, văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu giữa nhiều quốc gia. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển văn hóa nhưng cũng là khó khăn thách thức cho văn hóa đọc. Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội.  “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” của Nguyễn Quốc Vương là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam. Bằng những trải nghiệm của cá nhân, cũng như bằng những nghiên cứu, khảo luận và quan sát của cá nhân, tác giả mong muốn có thể chia sẻ và được đồng hành với phát triển văn hóa đọc .  “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” gồm nhiều bài viết là những bài phát biểu tại các buổi nói chuyện về sách, giáo dục hay những phỏng vấn báo chí thể hiện sự dấn thân và tâm huyết của tác giả đối với sự phát triển văn hóa đọc cũng như thay đổi nhận thức, tư duy giáo dục.

           “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022, dày 400tr. Ấn phẩm  hiện đang được lưu trữ và phục vụ tại Thư viện tỉnh Tiền Giang.  Sách gồm 3 phần, cũng chính là những thông điệp mà tác giả mong muốn gửi gắm tới bạn đọc:

          Phần một: Đọc sách, trải nghiệm và lẽ sống của tuổi trẻ

          Phần hai: Giáo dục trường học và “cải cách từ dưới lên”

          Phần ba: Kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ở Nhật Bản

          Trong ấn phẩm, Nguyễn Quốc Vương đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về vai trò của việc đọc sách đối với nhiều khía cạnh của đời sống con người. Bên cạnh việc mang lại tri thức, trí tuệ, việc đọc sách còn mang đến cho con người sự tinh tế, lòng trắc ẩn, cảm xúc phong phú. Đặc biệt với con trẻ, việc cho trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm sẽ giúp phát triển toàn diện, hình thành nên “tâm hồn phong phú”.

          Trong cuốn sách này tác giả cũng công bố bản dịch hoàn chỉnh các văn bản luật, quy định của Nhật Bản liên quan tới tổ chức thư viện, khuyến đọc và phục hưng văn hóa đọc. Cùng với hai bài khảo sát thực trạng đọc sách tại Nhật Bản, hệ thống văn bản này cung cấp một tham chiếu độc đáo đối với Việt Nam hiện nay trong nỗ lực cải thiện và nâng cao dân trí nói chung thông qua khuyến đọc. Vì vậy, bên cạnh việc truyền cảm hứng đọc sách, cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

          “Thông qua sự tiến bộ của cá nhân để đạt được sự tiến bộ về xã hội là một mệnh đề ngày càng được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng đắn và có sức hấp dẫn. Khi hiểu như vậy, ta sẽ thấy để kiến tạo một quốc gia, một cộng đồng văn minh không thể nào không dựa trên nền tảng văn hóa đọc với trụ cột là thói quen, năng lực đọc sách của từng cá nhân, từng công dân”.  Thông qua đọc sách việc mở mang trí thức để làm việc, lao động sản xuất mà việc đọc sách còn mang đến cho con người sự tinh tế, lòng trắc ẩn, cảm xúc phong phú.  Vì vậy, Nguyễn Quốc Vương chỉ ra rằng văn hóa đọc có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của một quốc gia. Một đất nước sẽ gặp phải trở lực không thể vượt qua nếu như mỗi công dân không tích cực trau dồi hiểu biết, tăng cường kĩ năng sống, làm phong phú đời sống tinh thần thông qua việc đọc và vận dụng tri thức từ sách.

            Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!

Mai Hương

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị