Khởi Nghĩa Trương Định
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng có bài viết về những trận đánh oanh liệt của nghĩa quân Trương Định trên địa bàn Gò Công:
“Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công để tiếng đồn
Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn
Ngọn cờ phấn nghĩa trời chưa bẻ,
Cái ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi hạt lệ,
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn”
Trong sách Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm của nhà văn Sơn Nam cũng có đoạn viết về Trương Định:
“Yêu nước đậm đà, khảng khái trước nghĩa lớn, đứng hàng đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ vẫn là Trương Định. Mang ơn vua, giữ đất cho vua ( Gò Công là nơi phát tích của Phạm Đăng Hưng và con gái là bà Từ Dũ), nhưng chống lệnh khi cắt đất cho Pháp. Trương Định và dân đồn điền lợi dụng địa hình rừng ngập mặn Gò Công để khởi nghĩa, đắp đập, xây lũy...”
Sau hơn nửa thế kỷ thống trị của triều Nguyễn, đến giữa thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và trở thành miếng mồi ngon của tư bản thực dân Pháp. Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc – mảnh đất đầu tiên giáp mặt với kẻ thù cướp nước, đã vùng lên giáng trả đích đáng quân xâm lược ngay khi chúng vừa đặt chân tới. Mở đầu cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam là cuộc khởi nghĩa bùng lên từ địa bàn Gò Công, do người anh hùng Trương Định lãnh đạo.
Trương Định vốn là người Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngĩa...là con quan Thủy vệ Vệ úy Trương Cầm, tỉnh Gia Định. Xuất thân trong một gia đình võ quan, sớm làm quen với binh thư đồ trận “ngay lúc thanh niên ông đã tinh thông võ nghệ và thao lược”. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, ông trú ngụ ngay nơi cha đóng quân. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Lập– con của vị bá hộ họ Lê ở Tân Phước. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ rồi lãnh chức phó lãnh binh.
Thởi điểm hiệp ước 1862 kí kết, phong trào kháng chiến của nghĩa quân Trương Định chịu tác động nặng nề. Tướng sĩ và nghĩa quân dao động hoang mang trước lệnh bãi binh của triều đình tuy nhiên tất cả không làm lung lay tinh thần của quản Định. Nghĩa quân của ông quyết tâm bảo vệ nhân dân đứng lên chống giặc đến cùng: “ Nghĩa quân Nam Kỳ không chịu thôi việc binh, suy tôn ông Định đứng đầu, dâng sớ về triều đình xin tiếp tục chiến đấu. Đình thần sợ trái hiệp ước, không cho phép, lại giục ông Định phải đi nhậm chức. Nhưng ông vẫn không nhậm chức, vẫn ở lại Gia Định chỉ huy phong trào kháng chiến, lấy hiệu là Trung thiên tướng quân...”
Với phương châm “ Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta” nghĩa quân Trương Định tạo ra một loạt chiến công vang dội, nổi bật nhất là trận phục kích giết chết tên đại úy thủy quân lục chiến Barber. Nghiêm khắc trừng trị những tên chỉ điểm cho giặc, liên tục vây đánh, tiến công các đồn trại giặc; hết vây đánh Gia Thạch đến chiếm đóng Rạch Gầm, liên tiếp tấn công Pháp ở Rạch Kỳ Hôn (Mỹ Tho)… Nổi tiếng với những cuộc vây đánh tập kích bất ngờ “ Đồn cách Sài Gòn 15km, ban đêm bị nghĩa quân tràn vào. Họ trèo qua những bức thành đất không một tiếng động, giết lính gác và chiếm giữ đồn trong một thời gian” khiến cho quân Pháp thiệt hại về mọi mặt, tàu bè hư hỏng, quân lính chết sạch, tướng quân thiệt mạng, khởi nghĩa Trương Định đã tạo bước ngoặt cho giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, mở đầu cho phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ
Những chiến công vang dội, những dẫn chứng minh họa về cuộc kháng chiến bền bỉ của nhân dân và nghĩa quân đều được PGS.TS Nguyễn Phan Quang và TS. Lê Hữu Phước tái hiện lại qua cuốn KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH
Sách được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001,dày 179 trang, khồ 21cm gồm Ba chương và Phần phụ lục:
Chương 1. Khởi nghĩa Trương Định. Buổi đầu xây dựng lực lượng và căn cứ
Chương 2. Khởi nghĩa Trương Định và bước chuyển mình lịch sử
Chương 3. Khởi nghĩa Trương Định và những chiến công oanh liệt
Quyển sách KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH hiện đang được lưu trữ và phục vụ tại Thư viện Tiền Giang với số đăng ký: DV.038139 và MM.057679
Thư viện Tiền Giang trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!
Thanh Trúc