Phối hợp hoạt động giữa hệ thống thư viện công cộng với thư viện trường học trên địa bàn tỉnh tiền giang trong công tác phát triển văn hóa đọc

Bài Tham luận

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG VỚI THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG TRONG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC

                                             Thư viện Tỉnh Tiền Giang

            Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Vấn đề này đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. 

            Có quan điểm cho rằng cần xây dựng thói quen đọc sách cho đội ngũ trí thức trước tiên, rồi từ đội ngũ này sẽ tác động đến các thành phần khác trong xã hội. Quan điểm này  chúng ta nên bắt đầu từ đối tượng tiềm năng và chiếm số lượng lớn trong xã hội, để có thể tạo nên một xã hội có thói quen đọc sách theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Và đó chính là đối tượng thiếu nhi và thanh thiếu niên. Đối tượng này bao giờ cũng chiếm tỉ trọng lớn trong xã hội và đều tập trung trong các hệ thống giáo dục chính thống. Đây là những điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động đọc sách. Giáo sư Chu Hảo trong hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục” có nhắc đến ba yếu tố cấu thành nên Văn hóa đọc đó là : thói quen đọc, phương pháp chọn sách và kỹ năng đọc. Ông cho rằng, cả ba yếu tố này luôn bổ trợ cho nhau và chỉ hình thành khi mỗi độc giả được huấn luyện từ lúc nhỏ...

          Chính vì vậy, TVTG xác định thành phần chính yếu để hình thành nền văn hóa đọc là các em thiếu nhi . Hiện nay đã có những thiết chế cần thiết phục vụ cho nhu cầu đọc của các em như hệ thống thư viện trường học, hệ thống thư viện công cộng (từ tỉnh đến xã, phường). Đối với hệ thống thư viện trường học, các thư viện thường xuyên được thanh tra, kiểm tra hoạt động để hàng năm công nhận danh hiệu thư viện đạt chuẩn. Đối với hệ thống thư viện công cộng, mạng lưới thư viện thiếu nhi vẫn báo cáo hoạt động đều đặn và hiệu quả. Tuy nhiên, các hệ thống thư viện này từ trước đến nay  vẫn hoạt động riêng lẻ, độc lập, chưa có sự liên kết phối hợp, dù cùng mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc sách cho thiếu nhi. Có một số nhận định cho rằng thói quen đọc sách của thế hệ trẻ đang trong tình trạng báo động. Các em học sinh thờ ơ với sách báo và gần như ít quan tâm đến các loại sách báo khác ngoài sách giáo khoa, sách phục vụ cho việc học tập, vì thế nên kiến thức chung, kỹ năng sống của các em rất hạn hẹp và mang tính lý thuyết; một số em còn một số hạn chế, yếu kém trong cách ứng xử đạo đức trong nhà trường, trong gia đình và trong xã hội.

          Bên cạnh đó, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc làm cho giới trẻ xa dần thói quen đọc sách. Nhiều người quan niệm, thời đại công nghệ thông tin, không nhất thiết phải đọc sách giấy, lên mạng đọc vừa nhanh, vừa thuận lợi và phải thấy rằng nhu cầu vui chơi giải trí của thiếu nhi ngày nay hầu như là các trò chơi trên mạng hơn là các trò chơi dân gian truyền thống thì còn nói gì đến việc các em thích đọc sách. Đó là một trong những lý do các thư viện ngày nay lượng bạn đọc đến thư viện đọc sách đã dần ít đi, trong đó có các em thiếu nhi. Mặt khác, các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc ở thư viện trường học chưa nhiều và chưa được sinh động, chưa thu hút, lôi cuốn được các em đến thư viện trường.

             Việc lôi cuốn các em đọc sách không chỉ đơn giản là việc các thư viện được tổ chức đầy ắp các kệ chứa sách, mà vấn đề quan trọng là CBTV phải hướng dẫn các em học sinh biết giá trị của từng quyển sách. Nhận thấy sự cần thiết trong việc khơi dậy trong các em niềm đam mê đọc sách, gầy dựng văn hóa đọc ngay từ thế giới tuổi thơ , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo về việc chủ động phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường hoạt động thư viện trong nhà trường.  

           Với phương châm “dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ”, “sách đi tìm người”, Thư Viện Tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hoạt động kết hợp giữa hệ thống thư viện công cộng và các thư viện trường tiểu học trong tỉnh đạt được hiệu quả cao qua những hình thức hoạt động đọc sách, tuyên truyền giới thiệu sách cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Việc kết hợp này có những mặt thuận lợi sau:

  • Thư Viện Tỉnh Tiền Giang có phòng đọc thiếu nhi rộng rãi, thoáng mát. Sách được sắp đặt theo kho mở thuận tiện cho các em trong việc tìm kiếm tài liệu. Nguồn tài liệu được bổ sung một cách phong phú và đa dạng: truyện tranh, truyện cổ tích, sách khám phá khoa học, kỹ năng, kiến thức … với trên 12.000 bản sách có thể phục vụ cho mọi lứa tuổi của các em học sinh.
  • Tuy kinh phí bổ sung vốn tài liệu hàng năm hạn chế, nhưng Thư viện Tiền Giang đã chủ động lên kế hoạch bổ sung có chọn lọc sách thiếu nhi theo định kỳ hàng tháng, hàng quý. Chính vì vậy mà kho sách thiếu nhi của Thư viện luôn có những tài liệu mới và có giá trị phù hợp với lứa tuổi các em.
  • Với vốn tài liệu phong phú, đa dạng, có nhiều loại sách có nội dung hữu ích mà ở nhiều thư viện trường học gần như thiếu hẳn trên kệ sách như: loại sách hạt giống tâm hồn, loại sách giáo dục đạo đức, loại sách giáo dục kỹ năng sống cho các em thiếu nhi …Thư Viện Tiền Giang chủ động tổ chức các đợt phục vụ lưu động đến các trường tiểu học thông qua  những ngày hội đọc sách đã thu hút đông đảo các em học sinh, xây dựng cho các em niềm say mê đọc sách.
  • Đội ngũ cán bộ thư viện có trình độ nghiệp vụ vững vàng, tận tâm, nhiệt tình, năng động, sáng tạo và yêu trẻ.

          Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn một số hạn chế nhất định trong hoạt động kết hợp giữa thư viện công cộng và thư viện trường học ví dụ như:

  •  Do lịch học tập chính khoá và ngoại khoá của các em học sinh hiện nay rất dày, chương trình học khá nặng. Vì vậy, thời gian để các em đến thư viện đọc sách gần như không có. Nhiều em muốn đọc song không có thời gian, do mệt mỏi, căng thẳng vì học hành, thi cử.
  • Do ảnh hưởng của văn hóa Internet, văn hoá nghe nhìn đã và đang có ảnh hưởng không nhỏ tới văn hoá đọc, trong đó có các em thiếu nhi. Hiện tượng thiếu nhi ở Việt Nam nghiện game online, nghiện facebook… đang trở nên ngày càng trầm trọng. Chính điều này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến văn hoá đọc trong các em.
  • Về các ấn phẩm xuất bản cho thiếu nhi: Do cơ chế thị trường , mảng sách thiếu nhi luôn là mảng sách bán chạy nhất với hình thức bắt mắt, được in chất lượng cao,  màu sắc tươi sáng, hình ảnh rõ nét, giấy dày - trắng - bóng, chữ vừa phải – dễ đọc rất cuốn hút các bạn đọc nhỏ tuổi.  Bên cạnh những đầu sách có chất lượng, tình trạng sách kém chất lượng vẫn tràn lan khiến các em không thể nhận biết được đâu là những loại sách thích hợp với  mình.
  • Những xã vùng sâu vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn sách phục vụ giải trí cho các em học sinh còn thiếu thốn, nó gần như là một phương tiện giải trí xa lạ đối với các em.
  • Một số bậc phụ huynh chưa chú trọng lắm về việc đọc sách, nên chưa tạo được thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho con em mình.
  • Một số thủ thư thư viện trường do là giáo viên kiêm nhiệm, trình độ nghiệp vụ thư viện chưa vững vàng nên hoạt động luân chuyển sách từ hệ thống thư viện công cộng đến thư viện trường gặp khó khăn. Họ e ngại sợ trách nhiệm nên không tích cực tham gia phối hợp hoạt động giữa hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường học nên hiệu quả hoạt động đọc sách ở những trường này  không cao.

Những thành quả đạt được:

  • Từ năm 2010 đến nay, Thư viện Tỉnh TG đã tăng cường công tác luân chuyển vốn tài liệu từ hệ thống thư viện công cộng sang hệ thống thư viện trường học nhằm phát huy giá trị vốn tài liệu cũng như từng bước bước hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
  • Ví dụ:  Hình thức này đã áp dụng tại huyện Cai Lậy, thông qua cán bộ thư viện huyện, Thư viện tỉnh đã luân chuyển hơn 2.000 bản sách đến các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa: tiểu học Ngũ Hiệp, xã Ngũ Hiệp, tiểu học Tân Phong, xã Tân Phong, tiểu học Bình Phú 1, xã Bình Phú, tiểu học Long Trung, xã Long Trung huyện Cai Lậy.
  • Tổ chức các ngày hội đọc sách ở các trường tiểu học, ưu tiên cho các trường ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh nhân dịp các ngày lễ như: ngày sách Việt Nam (21/4) và ngày Bản quyền thế giới (23/4), ngày khai trường  hàng năm với các chủ đề: “Ngày hội sách”, “Khai trường cùng vui đọc sách”. Mô hình này đã được áp dụng rộng rãi ở 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh Tiền Giang từ năm 2010 đến nay. Hình thức hoạt động này đang là thế mạnh của Thư viện tỉnh Tiền Giang trong công tác phục vụ lưu động, mang lại hiệu quả rất cao trong việc thu hút các em đến với sách vì bên cạnh việc chúng tôi không chỉ mang sách đến để trưng bày, giới thiệu mà chủ yếu chúng tôi định hướng việc đọc cho các em qua hình thức thi “Đọc sách viết lại cảm nhận”. Mô hình này nhằm xây dựng phong trào đọc sách, báo sâu rộng cho các em  đồng thời tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh,  phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, diễn đạt cảm xúc cho các em.
  • Hàng năm, vào dịp hè, Thư viện tỉnh kết hợp Thành đoàn tổ chức những buổi đọc sách hè với nhiều phần quà nhằm kích thích tính năng động và sáng tạo của các em như: trả lời câu hỏi theo sách, viết cảm nhận về sách …

Kiến nghị:

Đối với UBND các cấp

  •  Cần có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung cán bộ thư viện chuyên trách về hoạt động phục vụ thiếu nhi với các yêu cầu sau: vững vàng trong nghiệp vụ chuyên môn, am hiểu tâm lý trẻ em, yêu nghề, năng động, chủ động sáng tạo trong công tác phục vụ thiếu nhi.
  • Cần quan tâm, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị tại P. đọc thiếu nhi tạo cho các em cảm giác thoải mái, thư giãn, lôi cuốn các em đến P. Đọc Thiếu nhi đọc sách.
  • Cần trang bị xe thư viện lưu động để công tác phục vụ lưu động của thư viện thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Kết luận

          Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, chúng tôi nhận thức rằng việc  chăm lo văn hoá đọc cho thiếu nhi không chỉ là nhiệm vụ của thư viện, của ngành văn hóa, mà nó còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

           Có thể nói, việc xây dựng kết hợp hoạt động giữa hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường học nhằm phát triển văn hóa đọc cho các em thiếu nhi là một hướng đi đúng đắn. Những bài học của các thư viện thành công sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện công cộng - những nơi vốn được mệnh danh là các “thành trì của văn hóa đọc”.

          Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp nhịp nhàng và tích cực giữa hệ thống thư viện công cộng và hệ thống thư viện trường học trong tỉnh sẽ khơi dậy niềm say mê đọc sách và sách thực sự trở thành người bạn đồng hành của các em thiếu nhi./.

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị